Rất nhiều môi giới bất động sản bỏ nghề từ năm 2022 khi thị trường lao dốc bất ngờ quay lại “làm nghề” thời điểm sau Tết 2023. Thị trường chưa khởi sắc, sự quay lại đồng nghĩa với việc họ đã tìm được “sinh kế” mới trong nghề. Hãy cùng BdsTop tìm hiểu bài viết sau đây về chủ đề "Nhiều Môi Giới BĐS Bất Ngờ Quay Lại Với Nghề" này nha. Mong sẽ là thông tin bổ ích đến với các bạn.
Rất nhiều môi giới bất động sản bỏ nghề từ năm 2022 bất ngờ quay lại “làm nghề” thời điểm sau Tết 2023
Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2022 có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kì năm trước. Chính bởi vậy, số lượng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có nghề môi giới bất động sản bị thất nghiệp tăng mạnh. Những doanh nghiệp vẫn đang hoạt động cũng cắt giảm mạnh nhân sự.
Trên thực tế, bên cạnh làn sóng sa thải, cắt giảm, thị trường cũng hình thành làn sóng mới: môi giới bất động sản quay lại với nghề. Những môi giới quay lại làm nghề đều gắn với việc chào bán hàng cắt lỗ – mặt hàng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh thời gian qua.
Anh Mai Hữu Dũng, trú tại tổ 7, phường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh từng là nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch có trụ sở tại Cầu Giấy. Tháng 8 năm ngoái, anh nghỉ việc tại công ty khi thị trường khó khăn và chuyển sang bán bảo hiểm. Đầu tháng 3 năm nay, anh quay lại làm môi giới bất động sản và vẫn duy trì công việc bán bảo hiểm theo hình thức partime. Trước đó, anh chuyên bán biệt thự, liền kề và shophouse tại một số khu đô thị thuộc Hà Nội.
Lần quay trở lại với nghề, anh tiếp tục bán phân khúc trên nhưng chỉ nhận bán hàng “cắt lỗ”. Anh Dũng cho biết: “Khi thị trường còn tốt, bất động sản thấp tầng liên tục nhảy giá qua các quý, đến giờ thì hàng giảm giá cũng khó bán, nói thẳng ra là không có giao dịch. Hàng giảm giá ở đây là những căn cắt lãi so với giá thời kì đỉnh sốt, những căn này ít khách quan tâm. Chỉ những căn cắt lỗ thực sự sẽ có người tìm mua”.
Cũng theo anh Dũng, lượng tiền trong dân vẫn còn rất lớn, thị trường dù khó khăn nhưng vẫn có không ít những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sẵn sàng xuống tiền với hàng cắt lỗ sâu. Đó chính là lý do mà anh và bạn quay lại với thị trường và chỉ chuyên bán các hàng cắt lỗ được chủ nhà kí gửi. Mới đây nhất, anh Dũng giao dịch thành công một căn biệt thự có giá cắt lỗ 25,5 tỷ đồng, trong khi giá rao bán đầu năm 2022 – thời điểm thị trường chưa ảm đạm là 34 tỷ đồng.
Nhiều môi giới chọn bán hàng cắt lỗ thời điểm quay lại với nghề
Nhiều Môi Giới BĐS Bất Ngờ Quay Lại Với Nghề chị Trần Thị Mỹ Nương, hiện đang trú tại phường Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị đã bỏ nghề môi giới, chuyển bán cây cảnh online từ cuối năm ngoái. Hiện chị đã quay lại làm nghề từ sau Tết Nguyên đán. Chị Nương nhận bán những căn biệt thự mà chủ nhà “tặng” lại toàn bộ phần giá trị đợt đầu đã đóng cho khách do không có khả năng đóng tiền các đợt kế tiếp, đặc biệt là khi chương trình ân hạn lãi suất kết thúc. Cũng theo nữ môi giới, cùng là “tặng” nhưng chỉ có dòng biệt thự hướng đến mục đích ở là còn có người hỏi mua, dòng biệt thự nghỉ dưỡng dù cắt lỗ sâu nhưng gần như không có sự quan tâm của khách hàng.
Tại thị trường đất nền vùng ven Hà Nội, một số môi giới “nghỉ việc tạm thời” từ cuối năm ngoái cũng quay lại làm nghề từ sau Tết. Đất nền ven đô đã hạ nhiệt, số lượng hàng cắt lỗ đẩy ra thị trường ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Văn Tuất, một môi giới đất nền khu vực phía Bắc thủ đô cho biết, anh chỉ nhận bán hàng cắt lỗ từ 30-40%. Lý giải về việc chỉ nhận hàng cắt lỗ ở mức này, anh Tuất chia sẻ, không phải anh và đồng nghiệp “ép” giá chủ nhà mà diễn biến của thị trường là phải ở mức giảm đó, may ra mới có thể bán được. “Nhiều chủ nhà vẫn kì vọng lợi nhuận lớn, để giá cao ngất ngưởng, dù tôi đã tư vấn với giá đó thì sức mua của thị trường không thể hấp thụ được. Kết quả là chúng tôi tốn tiền chạy quảng cáo nhưng không có khách hỏi mua với những lô vẫn mong bán được giá như thời sốt đất. Trong khi giao dịch diễn ra với những lô giảm 30-40%”, anh Tuất cho biết thêm.
Cũng theo anh Tuất, với mức giảm trên, phân khúc dưới 2 tỷ đồng ghi nhận một số giao dịch. Mức giá cao hơn vẫn có khách tìm hiểu nhưng tỷ lệ chuyển đổi thành công thấp. “Nhìn chung là dù thị trường đã hạ nhiệt, giá đất giảm sâu ở một số khu vực nhưng thanh khoản của thị trường vẫn kém”, anh Tuất cho biết.
Nguồn bài viết: Sưu tầm